CHÚA LÀ MÙA XUÂN VĨNH CỬU

                CHÚA LÀ MÙA XUÂN VĨNH CỬU

                         Xuân  Quý Mão 2023

Trong bầu không khí hân hoan của cả dân tộc đón mừng năm mới, chúng ta quy tụ nhau nơi ngôi nhà thờ thân thương này, để cùng nhau ca tụng Thiên Chúa là Mùa Xuân Vĩnh Cửu thì thật là ý nghĩa và hợp lý biết chừng nào!

Khi niềm vui của chúng ta được quyện vào tình thương của Chúa, thì niềm vui của mỗi người được trở nên trọn vẹn. Điều này đã được thánh Phaolô nhắc các tín hữu của Ngài: “Anh em hãy vui lên trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em” (Pl 4,4).

Không vui sao được, vì đối với người Công Giáo, niềm vui không chỉ dừng lại ở mùa xuân tự nhiên, mùa xuân của đất trời, hay mùa xuân của lòng người, mà niềm vui ấy còn được dâng cao để hòa quyện vào niềm vui Ơn Thánh, niềm vui của Màu Xuân Vĩnh Cửu.

Niềm vui khi mùa xuân tự nhiên đến 

 Một quy luật tuần hoàn, sau 365 ngày, đất trời lại có mùa xuân mới. Cứ thế, nó đã đi vào quy luật tự nhiên. Quả thật:“Xuân khứ, xuân lai, xuân bất tận. Xuân đến, xuân đi, xuân lại về”. Có mùa xuân, bởi vì trái đất vần xoay, nên hết xuân sang hạ, hết hạ sang thu, hết thu sang đông và hết đông lại sang xuân.

Đây là quy luật của Tạo Hóa, Đấng đã cho tứ thời bát tiết chuyển xoay… khi mùa xuân đến, mọi người, mọi nhà, đều được hưởng niềm vui!

Vì thế, trên khuôn mặt mỗi người đều nở những nụ cười tươi vui, hạnh phúc, vì ai ai cũng được tận hưởng mùa xuân. Niềm vui ấy không thể giữ lại cho riêng mình, vì thế, chúng ta thường trao tặng cho nhau những lời cầu chúc tốt đẹp. Mong cho mọi người phúc ấm bền lâu, khang an thịnh đạt, phúc, lộc, thọ…

Thật là ý nghĩa khi mỗi người đều mong cho mình và cho tha nhân được: “Tân niên thánh đức bao ân phúc, xuân nhật an hòa mãi phú vinh”.

Tại sao có được niềm vui dạt dào nơi mọi người như vậy, thưa, bởi vì tự đáy lòng, con người cũng nở rộ mùa xuân.

  1. Mùa Xuân của lòng người

Nếu xuân tự nhiên nơi đất trời là do quy luật tuần hoàn, thì xuân của lòng người hoàn toàn khác, bởi nó không tự đến rồi lại tự đi, mà phải do dày công vun đắp màu xuân mới có.

Vì thế, mùa xuân nơi lòng người, mỗi người cảm nghiệm mỗi khác, không ai giống ai. Có người thì vui, có kẻ lại buồn. Có người hạnh phúc, có người bất an. Có người được quây quần, có người chia ly. Có người được đoàn tụ, có kẻ bị cô đơn. Có người ấm lòng, có người lạnh tanh…

Như vậy, mùa xuân năm nay, có lẽ phải đặt ra cho mỗi người chúng ta một câu hỏi mà có nhiều người xem ra thật vớ vẩn, ngẩn ngơ, đó là: tết năm nay, xuân năm nay, bạn buồn hay vui???

Nhưng nghĩ suy một chút thì phải chăng câu hỏi đó không đến nỗi hẩm hiu, nhưng nó gợi lại cho chúng ta về niềm vui, hạnh phúc có hay không trong năm mới, trong mùa xuân này!

Thật ra thì năm hết, tết đến, có người vui vì thu được nhiều tiền, buôn may bán đắt, gia đình xum họp, thêm con dâu, có con dể, đầy đủ ấm êm…

Nhưng cũng có biết bao nhiêu cảnh đời éo le! Năm mới mà nhà nghèo hơn ngày thường! Không có tiền, không có tình yêu! Cha mẹ ly tán, con cái bơ vơ…!

Hay nhìn rộng ra, mùa xuân là mùa của niềm vui, của hy vọng, nhưng niềm vui đâu chẳng thấy, hy vọng có lẽ là thứ xa xỉ phẩm khi thấy quá nhiều bất công, áp bức, bóc lột, đâm chém, xì ke ma túy; đạo đức giáo dục xuống cấp, học sinh như người vô học, con cái lếu láo với cha mẹ, cha mẹ vô trách nhiệm với con cái, bạn bè phản bội nhau…

Khi suy nghĩ như thế, chúng ta thấy, niềm vui của lòng người bị giới hạn vào tâm trạng nội tâm, vì thế cảm xúc hoàn toàn khác nhau!

Tuy nhiên, với người Công Giáo, chúng ta gặp nhau ở một điểm, đó là mùa xuân tự nhiên, kết hợp với lòng người và vươn tới Mùa Xuân Ơn Thánh.

  1. Màu Xuân Ơn Thánh

 Nếu mùa xuân tự nhiên cứ đều đặn tuần hoàn nối tiếp: “Xuân khứ, xuân lai, xuân bất tận”, hay mùa xuân của lòng người phụ thuộc vào thành quả hay tâm trạng chủ quan, thì Mùa Xuân Ơn Thánh là một mùa xuân bất diệt, toàn diện và được trao tặng cho hết mọi người…

Tuy nhiên, Mùa Xuân Ơn Thánh này lại phụ thuộc vào mỗi người, nếu đón nhận thì được dồi dào, phong phú, nhưng không đón nhận thì trơ trụi, cằn khô.

Một trong những nguyên nhân khiến con người không có Mùa Xuân Ơn Thánh, đó là: tâm hồn tràn ngập tội lỗi, ích kỷ, kiêu ngạo, bất công… Những người như thế, họ luôn mang trong tâm hồn mình một trạng thái bất an, tù túng, và không chừng, linh hồn sẽ bị chết chóc, sầu thương ảm đạm!

Chỉ khi nào con người biết khôn ngoan quay trở về với Chúa, rộng tay làm phúc cho kẻ túng nghèo và lo sống một cuộc đời thánh thiện, thì sẽ được Thiên Chúa ân chúc phúc. Lúc đó, con người mới hưởng được Mùa Xuân Ơn Thánh, nói cách khác, lúc đó Mùa Xuân Vĩnh Cửu mới hiện về trong tâm hồn của con người.

Nói cách cụ thể hơn, nếu muốn cho mùa xuân trở về trong trái tim chúng ta, thì chúng ta phải thực sự trở nên giống trẻ thơ để đón nhận tình thương của Thiên Chúa, vì Mùa Xuân Ơn Thánh chỉ đến với tâm hồn đơn sơ trong trắng mà thôi.

Khi có tâm hồn đơn sơ trong trắng, chúng ta phó thác đường đời cho Chúa, và phần còn lại, đó là chúng ta đi trong đường lối của Ngài để được dồi dào ân lộc: Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay”.Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho ; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng.
Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao ?”.

Hôm nay, ngày đầu năm mới, mỗi người chúng ta hãy cầu chúc cho nhau một năm mới không chỉ dừng lại ở niềm vui của mùa xuân đất trời, cũng không hệ tại lòng người, nhưng chúng ta luôn hướng lòng về Mùa Xuân Ơn Thánh – Vĩnh Cửu.

Ước mong Mùa Xuân Ơn Thánh – Màu Xuân Vĩnh Cửu luôn ngự trị trong tâm hồn của chúng ta, để mỗi người chan chứa ân sủng và bình an trong năm mới này.

Kính chúc cộng đoàn một năm mới luôn luôn dạt dào ơn thánh, để:

hinh-anh-chuc-tet-17

“Xuân sang cội phúc sinh nhành lộc. Tết về cây đức trổ thêm hoa”. Amen.

Bài thơ hay về mùa xuân của Nguyễn Bính

Đây cả mùa xuân đã đến rồi
Từng nhà mở cửa đón vui tươi
Từng cô em bé so màu áo
Đôi má hồng lên nhí nhảnh cười.

Và tựa hoa tươi cánh nở dần
Từng hàng thục nữ dậy thì xuân
Đường hương thao thức lòng quân tử
Vó ngựa quen rồi ngõ ái ân.

Từng gã thư sinh biếng chải đầu
Một mình mơ ước chuyện mai sau
Lên kinh thi đỗ làm quan Trạng
Công chúa cài trâm thả tú cầu.

Có những ông già tóc bạc phơ
Rượu đào đôi chén bút đề thơ
Những bà tóc bạc hiền như phật
Sắm sửa hành trang trẩy hội chùa.

Pháo nổ đâu đây khói ngợp trời
Nhà nhà đoàn tựu dưới hoa tươi
Lòng tôi như cánh hoa tiên ấy
Một áng thơ đề nét chẳng phai.

  Tết Cổ Truyền Việt Nam

TẾT CÔNG GIÁO – CỔ TRUYỀN VIỆT NAM  – Xuân  Quý Mão 2023

MỜI CÁC BẠN! CHÚNG TA CÙNG TÌM HIỂU NHÉ…

Tâm tình của người Việt Nam Công giáo trong những ngày Tết cổ truyền Dân tộc.

XUÂN VỀ

Tết cổ truyền của Dân tộc Việt Nam là nét đẹp văn hóa được truyền từ đời này qua đời khác. Người Công giáo Việt Nam lưu giữ và phát huy phong tục này ra sao ? Xin có đôi điều chia sẻ cùng Quý độc giả nhân dịp Tết đến, Xuân về !

Mùa Xuân mới và Tết Mậu Tuất 2018 đang đến rất gần. Tết đối với người Việt Nam chúng ta là một ngày trọng đại. Từ ngàn xưa đã có những nét đẹp văn hoá ngày Tết mà cho đến nay vẫn tồn tại và cần được phát huy. Người Công giáo Việt Nam cũng tiếp nhận những phong tục tốt đẹp này như tinh thần Thư Chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam là “Xây dựng trong Hội Thánh một nếp sống và một lối diễn ta đức tin phù hợp với truyền thống dân tộc”.

Hòa chung cùng niềm vui của toàn thể dân tộc Việt Nam trong những ngày đầu xuân, chúng ta cùng ca tụng Thiên Chúa là Chúa Mùa Xuân và dâng lên Người những lời cảm tạ chân thành vì đã ban cho chúng ta muôn vàn hồng ân trong năm đinh dậu vừa qua và ban thêm cho chúng ta một Mùa Xuân mới tốt đẹp tràn đầy ơn phúc trong tình thương và sự quan phòng kỳ diệu của Ngài. “Xuân mới reo vui nhắc tâm hồn hướng lên trời, nguyện luôn trung thành theo đường Chúa đi, để mai sau hưởng xuân vui Nước Trời”, lời thánh ca mang âm hưởng của mùa Xuân cũng đem lại cho ta niềm phấn khởi hân hoan và sự an bình, quên đi những lắng lo muộn phiền trong một năm đã qua và cả những tân toan cho một năm sắp tới.

Smiley face

Trong những ngày tết cổ truyền, nói về những công việc truyền thống, người Việt Nam thường có câu: “Mùng Một tết Cha, mùng Hai tết Mẹ, mùng Ba tết Thầy”. Người Công giáo, trong khi mừng những ngày Tết nguyên đán, cũng hướng đến những ý nghĩa thật cao quý: Ngày mùng 01 Tết: Cầu bình an cho Năm mới, ngày mùng 02 Tết: Kính nhớ Tổ Tiên, ông bà cha mẹ, ngày mùng 03 Tết: Thánh hóa công việc làm ăn. Điều này nói lên những giá trị riêng, thật đẹp và ý nghĩa mà mỗi người Công giáo phải trân trọng trong khi hoà mình vào truyền thống văn hoá của dân tộc.

Giữa bối cảnh Tin Mừng được rao giảng và hòa mình vào những nền văn hóa, văn minh khác nhau, người tín hữu được mời gọi hãy trân trọng những giá trị văn hóa khác nhau đó, nhưng làm cho tươi mới và mang những giá trị Tin Mừng Tình Yêu Chúa. Loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa chính là làm sáng lên những nét tinh tuý tiềm tàng trong mỗi nền văn hoá. Tin Mừng và văn hóa phải làm nên những nét giao thoa và hoà điệu với nhau. Tin mừng làm sáng lên những giá trị sáng ngời có sẵn trong môi trường văn hoá Việt Nam, mang đến cho các giá trị văn hoá ấy chiều kích siêu việt, chiều kích cứu độ.

Trong những ngày cuối năm, khi năm hết tết đến, người Việt Nam có thói quen dọn dẹp, điều này xuất phát từ quan niệm “tống cựu nghinh tân”. Tết là dịp tiễn cái cũ đi để đón cái mới đến, là dịp để thay đổi cho tươi mới hơn chính cuộc sống với những tiện nghi vật chất và con người của mình. Ngày Tết gần đến, có những căn nhà được sửa lại khang trang, được tô sơn hay quét vôi mới, có những con đường hay lối ngõ được dọn dẹp thật sạch sẽ,… tất cả làm nên sự thay đổi dịp Tết thật sôi động và náo nhiệt. Mỗi người đều cố gắng tạo cho mình và mọi người một khung cảnh thật ý nghĩa và tươm tất để chào đón Năm Mới đang về.

* Thánh lễ chiều 30 Tết

Smiley face

Thánh lễ chiều 30 Tết được cử hành nơi các thánh đường giáo xứ trong bầu khí ấm cúng và chan chứa nghĩa tình, đó là Thánh lễ tất niên để chuẩn bị chào đón Năm mới với thời khắc giao thừa. Tại nhiều xứ, ngoài lễ tạ ơn chung của giáo xứ, các khu họ đều xin lễ tất niên vào tuần lễ giáp Tết. Tuỳ theo số khu họ trong một giáo xứ mà cha xứ sắp xếp để mỗi xứ họ có được một thánh lễ riêng.

Toàn thể giáo dân trong xứ được mời tham dự với hương hoa, của lễ và những ý nguyện riêng mà tựu trung là tạ ơn, cầu nguyện cho những người mới qua đời trong năm, cầu xin cho một năm mới bình an. Sau thánh lễ, tuỳ theo điều kiện, bà con quây quần liên hoan để có dịp chia sẻ tâm tư, tình cảm vui buồn. Tạo tình đoàn kết yêu thương nhau trong tinh thần “Góp gạo nấu cơm chung” nhẹ nhàng nhưng đậm đà tình nghĩa.

Chiều 30 Tết, theo phong tục Việt Nam, mỗi gia đình thường dọn một mâm cỗ, thắp hương trên bàn thờ tổ tiên theo ý nghĩa đón ông bà về ăn Tết với con cháu. Tục lệ này cũng được đón nhận nơi đồng bào Công giáo. Nhiều giáo xứ, ngay từ sáng 30 cùng nhau tới viếng Nghĩa địa, Vườn Thánh… bà con giáo dân đến kính viếng, mời ông bà tổ tiên cùng chứng kiến những ngày Tết xum họp của con cháu. Ai ai cũng xin ông bà cầu bầu cùng Thiên Chúa chúc lành cho con cháu trong năm mới và còn hiệp ý xin lễ cầu nguyện cho các ngài.

Đón giao thừa là một nét đẹp không thể thiếu của các gia đình Việt Nam dù ở thôn quê hay thành thị. Trước giờ giao thừa, mọi người dù ở đâu, làm gì cũng cố gắng trở về quây quần bên nhau để chờ đón giây phút linh thiêng. Với người Công giáo Việt Nam, từ sau Công đồng Vatican II, Giáo hội Việt Nam đã đề nghị các giáo xứ tổ chức thánh lễ tạ ơn cuối năm trước giờ giao thừa. Trong thánh lễ này cũng có dành thời gian để mục tử và đoàn chiên nhìn lại sinh hoạt mục vụ năm cũ, đề ra những chương trình cho năm mới. Phần cuối lễ thường là dành để cộng đoàn, cha xứ cùng chúc mừng năm mới với những tràng vỗ tay hoan hỉ và những lì xì đầu xuân thật vui tươi.

Giờ khắc Giao thừa thật linh thiêng. Vào thời xưa, sự ra đời của một năm mới được đánh dấu bằng những hồi chuông giáo đường vang đổ, và bằng múa hát, tiếng nhạc, tiếng tù và cùng nhiều nghi thức vui mừng khác diễn ra trên đường phố. Tuy nhiên, nhiều người chờ đón và chào mừng giao thừa tại nhà của mình, nơi mà phong tục đón năm mới và chúc mừng năm mới được cử hành. Qua nhiều thế kỷ, đây là một tập tục và nói chung, nó trở thành một phong tục phổ biến, nó thường xuyên được duy trì về hình thức và sự liên tục ăn mừng lễ hội, từ năm này đến năm khác… Phần chủ yếu của lễ hội trong đêm giao thừa được tổ chức trong vòng một vài phút long trong và uy nghi, khi năm cũ qua đi và giờ giao thừa bắt đầu điểm.

Smiley face

Những năm gần đây, theo tinh thần hội nhập văn hoá, hầu như tại các xứ đạo đều có tổ chức “hái lộc đầu xuân”. “Lộc” ở đây là các phong bao lì xì, trong có kèm một câu trích trong sách Tin Mừng, được treo trên các chậu cảnh hay những cành đào, cành mai đặt trên cung thánh. Sau lễ giao thừa, mọi người lần lượt lên “hái lộc Lời Chúa”. Mỗi câu Lời Chúa nhận được như là ý Chúa gửi đến mỗi người, mỗi gia đình. Hiện nay, với công nghệ in ấn hiện đại, mỗi gia đình thường được cha xứ và hội đồng giáo xứ gửi biếu một tờ lộc in lớn, còn hái lộc tại nhà thờ là lời Chúa gửi đến từng cá nhân người đón nhận.

* Mùng một Tết

Mùng một Tết, ngày đầu tiên của năm mới, mọi người quy tụ bên nhau, trong mái ấm gia đình và những liên hệ ruột thịt, để cùng tạ ơn về một năm cũ đã qua, đồng thời nguyện xin cho một năm mới bình an, thăng tiến về mọi phương diện tốt đẹp trong cuộc sống thường nhật cũng như đời sống đạo đức, tin yêu.

Trong ngày này, mọi người cùng dâng lời cảm tạ Chúa vì các hồng ân Chúa đã ban cho trong năm cũ vừa qua, đồng thời xin Chúa ban cho mỗi người có một tâm hồn đơn sơ và trong sạch để mãi mãi được vui hưởng mùa xuân ơn thánh trong Năm mới vừa khởi đầu.

Theo truyền thống dân tộc Việt Nam, sáng sớm ngày mồng một Tết, người ta pha trà cúng gia tiên, mọi người làm lễ trước bàn thờ theo thứ tự cha trước con sau, anh trên em dưới. Sau đó, con cháu mới đến chúc tuổi mới ông bà cha mẹ. Con cháu chúc ông bà, cha mẹ những lời tốt đẹp nhất trong năm mới, sau đó người ta ăn Tết.

* Ngày mùng hai Tết.

Smiley face

Ngày mùng hai Tết, người Công giáo dành để tưởng nhớ, biết ơn và cầu nguyện cho các bậc tổ tiên, ông bà cha mẹ còn sống cũng như đã được Chúa gọi về. Có nhiều nơi, các giáo xứ tổ chức tặng quà chúc thọ các cụ ông, cụ bà trong Thánh Lễ Mùng Hai Tết, điều này thật ý nghĩa, có giá trị giáo dục con cháu sống hiếu thảo.

Trong ngày này, Thánh Lễ cũng được cử hành cách trang trọng và cảm động nơi Nghĩa Trang Giáo Xứ ngày mùng Hai Tết. Người sống, kẻ chết gặp nhau trong yêu thương, tưởng nhớ trong mầu nhiệm hiệp thông của Giáo Hội. Kính nhớ các bậc tiền nhân chính là thể hiện tinh thần đạo hiếu của dân tộc Việt Nam “Uống nước nhớ nguồn”.

Ngày mùng Ba tết:

Ngày mùng Ba tết, người Công giáo Việt Nam được mời gọi để cầu nguyện và xin Thiên Chúa thánh hóa những công việc làm ăn trong suốt một năm mới. Dâng lên Thiên Chúa tất cả những công việc làm ăn với những thành công, thất bại trong một năm đã qua, và cầu mong một năm mới với những công việc làm ăn được thành công trọn vẹn và thu hái được kết quả tốt đẹp.

Với những tâm tình thật ý nghĩa trong những ngày xuân, mỗi người tín hữu chúng ta được mời gọi cùng hiệp thông trong tình liên đới yêu thương, để những ngày đầu năm mới này trở nên một khởi đầu thật trọn vẹn và ý nghĩa cho một hành trình mới. Hành trình của sự biến đổi và cải hóa cuộc đời. Nguyện cho tâm tình vui tươi của mùa xuân trong Năm Mới chan hòa trên tất cả mọi người, “những gì tốt đẹp trong tâm hồn và tư tưởng của loài người hoặc trong nghi lễ và văn hóa riêng của các dân tộc, hoạt động của Hội Thánh không nhằm tiêu diệt nhưng làm cho lành mạnh, nâng cao và kiện toàn, hầu làm vinh danh Thiên Chúa và mưu cầu hạnh phúc cho con người” (Hiến chế Tín lý về Giáo Hội, 17,1)

Smiley face

Trong tâm tình những ngày đầu xuân và năm mới, mỗi người chúng ta hãy cảm tạ và phó thác cuộc đời mình cho Thiên Chúa; bởi vì Ngài vẫn luôn là Thiên Chúa của mùa xuân, Thiên Chúa của Tình Yêu, Thiên Chúa của Sự Sống. Khi biết mở lòng mình ra với mọi người, chúng ta thật dễ dàng để mở hồn mình ra với Thiên Chúa.

Một Năm Mới đang đến gần, chúng ta cùng với mọi người dọn dẹp bề ngoài nhưng cũng chú tâm dọn dẹp chính tâm hồn, để Năm Mới sang chính là thời điểm để chúng ta bước vào đời sống mới, thay đổi để thực sự sống tình liên đới yêu thương, mở lòng đến với mọi người và sẵn sàng để nghênh đón Chúa Xuân muôn đời.

Trong ngày đầu xuân này, chúng ta hãy vui lên, vui lên đi như lời thánh Tông đồ Phaolô đã khuyên nhủ tín hữu Philipphê: “Anh em hãy vui lên trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại : vui lên anh em” (Pl 4,4).

Thiên Ân