TIẾNG GỌI SÁM HỐI VÀ HOÁN CẢI
THỨ HAI SAU LỄ HIỂN LINH
Mt 4,12-17.23-25
TIẾNG GỌI SÁM HỐI VÀ HOÁN CẢI
“Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.” (Mt 4,17)
Suy niệm: Theo Tin Mừng Mát-thêu, sau khi Chúa Giê-su chịu phép rửa của Gio-an và đi vào hoang địa ăn chay 40 ngày, Ngài bắt đầu rao giảng bằng lời kêu gọi sám hối. Tin Mừng Mác-cô cũng tường thuật tương tự (x. Mc 1,15). Tiếng gọi sám hối ấy cũng chính là trọng tâm lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả. Và xa hơn nữa, các ngôn sứ thời trước cũng thường xuyên lặp đi lặp lại tiếng gọi sám hối như vậy. Tiếng gọi sám hối tiếp tục không ngừng vang lên trong đời sống Giáo Hội: không chỉ mùa Chay, mà cả mùa Vọng, và ngay cả mùa Giáng Sinh nữa (như hôm nay!) Nói thật đúng thì sám hối là chuyện của mọi mùa. Sám hối và hoán cải là bước quyết định, là cánh cửa mở ra mọi dự án tốt đẹp khác của đời môn đệ, của sứ mạng tông đồ. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đang cố gắng thúc đẩy một cuộc canh tân đời sống và sứ mạng của Giáo hội – gọi là công cuộc Tân Phúc Âm hóa – và ngài cũng xác định rõ rằng cuộc canh tân ấy nhất thiết phải bắt đầu bằng sự hoán cải mục vụ ở mọi cấp độ của cơ cấu Giáo hội, cách riêng giáo xứ, giáo phận (x. Niềm Vui Tin Mừng, 27– 33).
Mời Bạn: Tiếng gọi sám hối và hoán cải của Tin Mừng có ý nghĩa gì đối với bản thân, gia đình và giáo xứ của bạn? Nhìn lại chính mình, bạn có thể chân thành nói lên rằng “tôi đã sai, đã đi lạc, đã hư hỏng, đã bế tắc…” trong những cách sống, cách suy nghĩ và cách chọn lựa nào đó không? Bạn cần phải làm gì để cho phép Nước Trời đến với mình và để bảo đảm rằng bạn không dựng bảng ‘STOP’ trước Nước ấy?
Cầu nguyện:Chân thành đọc Kinh Ăn Năn Tội và Kinh Lạy Cha.
5 phút suy niệm 2015