Tam Nhật Vượt Qua hay Tam Nhật Phục Sinh ?

Thứ tu- 05/04/2023 19:32
  •  
  •  Tam Nhật Vượt Qua là cụm từ dịch từ tiếng La-tinh Triduum paschale. Paschale là tĩnh từ, danh từ là pascha, từ này có nguồn gốc từ tiếng Híp-ri פֶּ֥סַח (PesaH) có nghĩa là nhảy qua hay vượt qua, cũng còn có nghĩa là bỏ qua, tha thứ (x. ĐNTHTK Vượt qua I. 2b).
Tam Nhật Vượt Qua hay Tam Nhật Phục Sinh
Tam Nhật Vượt Qua hay Tam Nhật Phục Sinh
Từ sau cuộc xuất hành, nó trở thành tên gọi một ngày lễ của Do-thái giáo : Lễ Vượt Qua, được cử hành hằng năm để nhớ việc ĐỨC CHÚA đã giải thoát con cái Ít-ra-en khỏi Ai-cập (x. Xh 12,1-14). Từ pascha trong La-tinh gần với tiếng Hy-lạp : πασχα ; tiếng Anh và Pháp có chút khác biệt (Anh : Passover ; Pháp : Pâque). Chúa Ki-tô chết đúng vào dịp lễ Vượt Qua của Do-thái giáo nên từ Vượt Qua đã mang một ý nghĩa mới : đó là cuộc Phục Sinh vinh hiển của Chúa Ki-tô, chính Người đã vượt qua sự chết mà bước vào cõi sống.

Trong Tuần Thánh, có ba ngày đặc biệt là Thứ Năm, Thứ Sáu và Thứ Bảy. Ba ngày này được gọi là Tam Nhật kèm theo chữ Vượt Qua, để chỉ ba ngày diễn ra những biến cố sau cùng trong cuộc đời dương thế của Đức Ki-tô, bắt đầu từ Lễ Tiệc Ly, đến Kinh Chiều II Chúa Nhật Phục Sinh. Vì vậy, nếu nói là Tam Nhật Phục Sinh thì chưa đủ ba ngày mà mới chỉ có một ngày là ngày Chúa Nhật Phục Sinh, Ngày thứ hai sau đó là Tuần Bát Nhật Phục Sinh. Như thế, trong Phụng Vụ chỉ có Bát Nhật Phục Sinh mà không có Tam Nhật Phục Sinh.
Muốn đồng hoá Tam Nhật Phục Sinh với Tam Nhật Vượt Qua là vô hình trung làm xáo trộn ý nghĩa của sự việc, vì Vượt Qua ở đây muốn liên tưởng đến cuộc vượt qua Biển Đỏ của dân Do-thái, giã từ kiếp nô lệ để bước vào chốn tự do, lên đường đi về Đất Hứa. Phụng Vụ dùng từ này hàm ý diễn tả cuộc Vượt Qua của Đức Ki-tô, đi từ cái chết thảm thương ô nhục đến cuộc chiến thắng khải hoàn trong ngày Phục Sinh.
Cũng như Đức Ki-tô đã vượt qua những nỗi khổ nhục và cái chết để cứu chuộc loài người thì các Ki-tô hữu cũng phải vượt qua những sự hy sinh đau khổ, nhất là đoạn tuyệt với tội lỗi, để sống trong hàng ngũ tự do của con cái Thiên Chúa, hầu mai ngày được hưởng phúc vinh quang với Con của Người là Đấng Phục Sinh vô cùng vinh hiển.
Bởi thế, Tam Nhật Vượt Qua đúng là cụm từ chính xác và thích đáng để chỉ ba ngày trong Tuần Thánh, xét cả về nội dung ý nghĩa lẫn công dụng thông thường trong sinh hoạt Phụng Vụ.

Tác giả: Lm. An-rê Đỗ Xuân Quế o.p.

​​​​​​​Ý Nghĩa của Tam Nhật Thánh

Thứ Tu – 05/04/2023 18:34
  •  
  • Nhằm giúp cộng đoàn có cái nhìn sâu sắc hơn trong Tam Nhật Thánh, chúng tôi đã sưu tầm và trân trọng gửi tới cộng đoàn với hy vọng chúng ta cùng nhau cảm nhận một cách sâu sắc hơn trong Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Ky tô.
Ý Nghĩa của Tam Nhật Thánh
Ý Nghĩa của Tam Nhật Thánh

Trong bài huấn dụ tại đại thính đường Phaolo VI, dịp tiếp kiến chung ngày 19.3.2008, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã đề cập đến ý nghĩa của Tam Nhật Tuần Thánh. Mở đầu bài huấn dụ ngài nói:

Anh chị em thân mến chúng ta đang đứng trước Tam Nhật Thánh. Ba ngày sắp tới thường được gọi là ”thánh” vì chúng khiến cho chúng ta sống trở lại biến cố chính của ơn cứu độ; thật thế chúng dẫn đưa chúng ta vào trong nhân tố của lòng tin Kitô: là cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Đó là những ngày mà chúng ta có thể coi như một ngày duy nhất: vì chúng là trọng tâm của toàn năm phụng vụ cũng như của đời sống Giáo Hội. Kết thúc con đường Mùa Chay chúng ta cũng chuẩn bị bước vào chính bầu khí mà Chúa Giêsu đã sống khi xưa tại Giêrusalem. Chúng ta muốn khơi dậy ký ức sống động các khổ đau mà Chúa đã chịu vì chúng ta và chuẩn bị cử hành Chúa Nhật tới đây với niềm vui lễ Vượt Qua đích thực, mà Máu Chúa Kitô đã bao phủ bằng vinh quang, lễ Vượt Qua trong đó Giáo Hội cử hành Lễ ”nguồn gốc của mọi lễ”, như khẳng định trong Kinh Tiền Tụng ngày lễ Phục Sinh theo nghi thức thánh Ambrosio.

Tiếp theo đó Đức Thánh Cha trình bày ý nghĩa Tam Nhật Thánh. Trước hết là Thứ Năm kỷ niệm biến cố Chúa Giêsu thành lập bí tích Thánh Thể và chức Linh Mục thừa tác.

Trong đêm đó Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta một điều răn mới là điều răn của tình yêu thương huynh đệ. Trước khi bước vào Tam Nhật Thánh, sáng thứ năm cộng đoàn giáo phận cử hành lễ làm phép dầu, trong đó vị Giám Mục và các linh mục giáo phận canh tân các lời hứa ngày thụ phong.

Cũng có lễ nghi làm phép Dầu: dầu tân tòng, dầu bệnh nhân và dầu thêm sức. Đó là thời điểm quan trọng đối với cuộc sống của mọi cộng đoàn giáo phận, quây quần chung quanh vị chủ chăn của mình để củng cố sự hiệp nhất và lòng trung thành với Chúa Kitô, Thượng Tế đời đời duy nhất. Vào ban chiều Giáo Hội cử hành Bữa Tiệc Ly của Chúa, trong đó Chúa Kitô tự hiến mình cho chúng ta như lương thực cứu độ, như thần dược của sự bất tử: đó là mầu nhiệm Thánh Thể, suối nguồn và tuyệt đỉnh của cuộc sống Kitô. Trong Bí tích cứu độ này Chúa cống hiến và hiện thực cho tất cả những ai tin nơi Người sự hiệp thông thân tình nhất có thể có giữa cuộc sống của chúng ta và cuộc sống của Người. Với cử chỉ khiêm tốn và ý nghĩa của lễ nghi rửa chân chúng ta được mời gọi nhớ lại điều Chúa đã làm cho các Tông Đồ: khi rửa chân cho các vị Người tuyên bố một cách cụ thể quyền tối thượng của tình yêu thương, tình yêu thương biến thành sự phục vụ và trao ban chính mình, qua đó Chúa diễn tả trước hy lễ tuyệt đỉnh của cuộc sống mình, hao mòn đi ngày hôm sau đó trên núi Sọ. Theo một truyền thống rất đẹp, tín hữu kết thúc Thứ Năm Thánh với một buổi canh thức cầu nguyện và chầu Thánh Thể để sống trở lại một cách thân tình hơn cuộc hấp hối của Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu.

Thứ Sáu Thánh là ngày tưởng niệm cuộc khổ nạn đóng đanh và cái chết của Chúa Giêsu. Trong ngày này phụng vụ Giáo Hội không cử hành thánh lễ, nhưng cộng đoàn Kitô tụ tập nhau để suy niệm về mầu nhiệm sự dữ và tội lỗi đàn áp nhân loại, và để bước theo các khổ đau của Chúa đền bù sự dữ đó, dưới ánh sáng Lời Chúa và các cử chỉ phụng vụ. Sau khi nghe trình thuật cuộc khổ nạn của Chúa Kitô cộng đoàn cầu nguyện cho tất cả mọi nhu cầu của Giáo Hội và của thế giới, thờ lậy Thánh Giá và rước Mình Thánh Chúa đã được giữ lại trong thánh lễ chiều Thứ Năm. Tiếp đến Đức Thánh Cha đề cập tới nhiều thói quen đạo đức của truyền thống Kitô trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh như sau:

Như là lời mời gọi sau cùng suy tư về cuộc khổ nạn và cái chết của Đấng Cứu Chuộc và để diễn tả tình yêu thương và việc tham dự của tín hữu vào các nỗi khổ đau của Chúa Kitô, truyền thống Kitô đã làm nảy sinh ra nhiều hình thái đạo đức bình dân, như các cuộc rước kiệu và diễn tuồng thương khó, nhằm ngày càng ghi đậm dấu trong tâm hồn tín hữu các tâm tình tham dự thực sự vào hy tế cứu độ của Chúa Kitô. Trong số các thói quen đạo đức ấy có việc đi đàng Thánh Giá. Theo dòng thời gian thói quen này có thêm nhiều kiểu diễn tả tinh thần và nghệ thuật phong phú gắn liền với các nền văn hóa khác nhau. Vì thế tại nhiều nước nảy sinh ra các đền thánh gọi là Núi Sọ, có đường đi lên dốc dác nhắc nhớ lại con đường đớn đau của cuộc Khổ Nạn, và giúp tín hữu tham dự vào cuộc đi lên Núi Thập Giá Chúa, Núi Tình Yêu Thương cho đến tột cùng.

Ngày Thứ Bẩy Thánh ghi đậm dấu của sự thinh lặng sâu thẳm. Các nhà thờ trống trơn và không có các lễ nghi phụng vụ đặc biệt.Trong khi chờ đợi biến cố Phục Sinh, các tín hữu kiên trì cùng Mẹ Maria cầu nguyện và suy niệm. Thật thế, cần phải có một ngày thinh lặng để suy tư về thực tại cuộc sống con người, về sức mạnh của sự dữ và sức mạnh của sự thiện nảy sinh từ cuộc Khổ Nạn và sự Phục Sinh của Chúa. Trong ngày này tín hữu đi lãnh nhận bí tích hòa giải để thanh tẩy tâm lòng và chuẩn bị cử hành lễ Phục Sinh. Ít nhất một năm một lần chúng ta cần đến sự thanh tẩy nội tâm này để canh tân chính mình.

Ngày Thứ Bẩy của thinh lặng, suy niệm, tha thứ và hòa giải này kết thúc với Buổi Canh thức vọng Phục Sinh, dẫn đưa vào Chúa Nhật quan trọng nhất của lịch sử, là Chúa Nhật Phục Sinh của Chúa Kitô. Giáo Hội canh thức bênlửa mới làm phép và suy niệm về lời hứa vĩ đại trong Cựu Ước và Tân Ước lời hứa giải phóng con người vĩnh viễn khỏi sự nô lệ tội lỗi và cái chết. Trong đêm tối nến phục sinh, biểu tượng cho Chúa Kitô sống lại khải hoàn được thắp lên từ lửa mới. Chúa Kitô ánh sáng của nhân loại đánh tan tối tăm của tâm lòng và trí khôn và soi sáng mọi người vào trần gian.

Bên cạnh nến phục sinh vang lên trong Giáo Hội lời loan báo phục sinh: Chúa Kitô đã thực sự sống lại, cái chết không còn quyền lực nào trên Người nữa. Với cái chết của mình Người đã vĩnh viễn đánh bại sự dữ và trao ban chính sự sống của Thiên Chúa cho tất cả mọi người. Do truyền thống cổ xưa trong lễ Vọng Phục Sinh các tân tòng lãnh nhận bí tích Rửa Tội để nêu bật sự tham dự của Kitô hữu vào mầu nhiệm cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô. Từ đêm Phục Sinh rạng ngời niềm vui ánh sáng và hòa bình của Chúa Kitô tỏa lan trong cuộc sống của tín hữu mọi cộng đoàn và đến với mọi điểm của không gian và thời gian.

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Trong các ngày đặc biệt này chúng ta hãy lập lại hai tiếng xin vâng với thánh ý Chúa như Chúa Giêsu đã nói với hy lễ thập giá. Các lễ nghi của Tam Nhật Thánh và buổi Vọng Phục Sinh cống hiến cho chúng ta cơ may đào sâu ý nghĩa và giá trị của ơn gọi Kitô, nảy sinh từ Mầu Nhệm Phục Sinh và cụ thể hóa nó trong việc theo Chúa Kitô trong mọi trạng huống cuộc đời, cho đến hy sinh mạng sống chúng ta như Người đã hy sinh.

Kỷ niệm các mầu nhiệm của Chúa Kitô cũng có nghĩa là sống gắn bó liên đới sâu đậm với ngày hôm nay của lịch sử, vì xác tín rằng những gì chúng ta cử hành là thực tại sống động và thời sự. Vì thế chúng ta hãy đem vào trong lời cầu nguyện của chúng ta các sự kiện và tình hình thê thảm trong các ngày này đang gây khổ đau cho biết bao nhiêu anh chị em của chúng ta khắp nơi trên thế giới. Chúng ta biết rằng sự thù hận, các chia rẽ, bạo lực đã không bao giờ có tiếng nói cuối cùng trong các biến cố lịch sử. Trong những ngày này chúng ta hãy làm sống dậy nơi mình niềm hy vọng: Chúa Kitô chịu đóng đanh đã sống lại và chiến thắng trần gian. Tình yêu thương mạnh hơn thù hận. Nó đã chiến thắng và chúng ta cũng phải liên kết với tình yêu thương. Chúng ta phải tái khởi hành từ Chúa Kitô và làm việc với Người trong sự hiệp thông để tạo dựng một thế giới xây dựng trên hòa bình, công lý và tình yêu thương.

Nguồn: Sưu tầm