Đại Lễ Chúa Thánh Thần: Hoa Quả của Thần Khí

Chào các Bạn trong Tình Yêu Thánh Tâm Chúa.

“Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi,

nhưng hãy yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1 Ga 3:18).

*******************

Chúc bình an đến bạn và gia đình. Chỉ còn ít ngày nữa là đến ngày Đại Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, ngày Sinh Nhật của Giáo Hội. Thánh Gioan Maria Vianê nói: “Người yêu mến Chúa Thánh Thần sẽ cảm nghiệm mọi thứ vui sướng trong mình. Thánh Thần dẫn chúng ta giống như một người mẹ dẫn dắt đứa con nhỏ, hoặc giống như một người sáng dẫn một người mù. Những người yêu mến Chúa Thánh Thần sẽ thấy việc cầu nguyện đầy hoan lạc đến nỗi họ không thấy có đủ giờ để cầu nguyện.” Để chuẩn bị tâm hồn và sống trong CTT, mời bạn cùng mình suy niệm 12 hoa quả của CTT để cảm nghiệm được niềm hoan lạc vui sướng vì được Chúa hướng dẫn trong đời nhé.

Cha Vương

https://youtu.be/94LXNKVoQPE

Thư 3: 23/05/2023

TIN MỪNG:

Còn hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ. Không có luật nào chống lại những điều như thế. (Gl 5:22-23)

HOA QUẢ THỨ 1:

Bác ái—Là nhân đức dạy ta biết yêu thương, phục vụ và tha thứ cho người khác, theo gương Chúa Giêsu Kitô. Bác ái gắn liền với những hành động cụ thể và thật sự phát xuất từ tình yêu dành cho Thiên Chúa và tha nhân.

SUY NIỆM:

Trong xã hội lạnh cảm đa dạng ngày nay có những nơi con người đang bị bỏ rơi, bị đối xử còn tệ hơn những con thú trong nhà. Dù con người có ác tâm đến đâu, bạn vẫn còn thấy chữ “nhân” được in trên những mảnh đời bất hạnh. Hơn bao giờ hết đây là lúc mà người Ki-tô hữu phải sống đúng với lời Thánh Gio-an tông đồ đã nhắc nhở: “Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng hãy yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1 Ga 3:18). Những lời này đã được thánh tông đồ diễn tả bằng một mệnh lệnh mà không một người Kitô hữu nào có thể tránh né. Đã đến lúc phải loại bỏ đi lối sống giả tạo với những lời nói trống rỗng huênh hoang qua môi miệng, và dấn thân hơn nữa vào những hành động cụ thể mà bạn được mời gọi thực hành, vì tình yêu không chấp nhận viện cớ thoái thác giả tạo.

LẮNG NGHE:

Tôi xin nói điều này: gieo ít thì gặt ít; gieo nhiều thì gặt nhiều. (2 Cr 9:6)

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa Thánh Thánh Thần, đừng để tim con thắt lại trước những đau khổ của người khác nhưng hãy mở rộng tim con để con biết sống yêu thương và chia sẻ.

THỰC HÀNH:

Làm một việc bác ái nhỏ với một con tim yêu thương hôm nay.

****************** // *****************************

Chào các Bạn trong Tình Yêu Thánh Tâm Chúa.

Good morning Wednesday! A wonderful and blessed day.

******************

Một ngày tràn đầy hoan lạc trong Chúa nhé.

Cha Vương

Thứ 4: 24/05/2023

TIN MỪNG:

Còn anh em, anh em đã bắt chước chúng tôi và noi gương Chúa, khi đón nhận lời Chúa giữa bao nỗi gian truân với niềm vui do Thánh Thần ban. (1Thx 1:6)

HOA QUẢ THỨ 2:

Hoan Lạc—Lòng bạn tràn ngập niềm vui hạnh phúc vì bạn có Chúa. Đây là trạng thái của tâm hồn. Thiên Chúa là Đấng rất gần gũi với bạn còn hơn bạn biết chính bạn nữa. Ngài là Cha yêu thương, là Con đến cứu độ và là Thánh Thần ban sự sống. Càng gần Thiên Chúa qua lối sống “hợp với lẽ phải” thì lòng bạn tràn đầy hoan lạc. Hoan lạc và hạnh phúc dựa trên bản lĩnh nội tại chứ không dựa trên chiếm hữu của cải bên ngoài; chúng gắn liền với đời sống nội tâm của ta. Nói cách khác, cuộc thăng tiến đời sống thánh thiện là con đường để đạt đến hoan lạc và hạnh phúc. Kẻ sống thánh thiện thì cũng sống hoan lạc và hạnh phúc. Vì vậy mới có câu “tiền bạc không mua được hạnh phúc được”.

SUY NIỆM:

Trong một bài giảng, thánh Gioan Kim khẩu khẳng định rằng: “Không ai có thể làm cho ta bất hạnh nếu chúng ta không làm cho mình bất hạnh; cũng vậy, không ai làm cho chúng ta hạnh phúc nếu chúng ta không tự làm cho mình hạnh phúc.” Hoan lạc (cũng như hạnh phúc) nằm ở trong ta, và được nâng đỡ nhờ các động lực nội tại mang lại một lý tưởng sống cao thượng. Nếu bạn tích cực sống hiền hoà, nhã nhặn, sẵn sàng giúp đỡ nhau trong đức ái, trong tinh thần “tương thân tương ái” thì những hành động, dù có nhỏ nhoi đến đâu cũng mang lại cho bạn và cho những người chung quanh một niềm vui nội tâm khó tả. Đó là hoa quả của Chúa Thánh Thần được phát ra từ đức ái và tạo nên một sự hiệp nhất và gần gũi với Chúa và tha nhân. Trái lại nếu bạn chỉ biết nghĩ đến cái tôi, luôn căng thẳng cau có, chìm đắm trong phiền muộn, hạn hẹp trong tư tưởng, lời nói và hành động thì cuộc sống của bạn chẳng đem lại lợi ích gì cho chính mình và cho tha nhân cả.

LẮNG NGHE:

“Con ơi, hãy tin tưởng! Xin Đức Chúa trên trời cho buồn phiền của con biến thành hoan lạc. Cứ tin tưởng đi con!” (Tb 7:17)

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa Thánh Thần, xin hướng con về đường ngay chính trực để được sống bên Chúa luôn mãi vì “trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề, ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi!”

THỰC HÀNH:

Kết hiệp với Chúa bằng cách tăng thêm giờ cầu nguyện trong ngày.

******* /// ********

Chào các Bạn trong Tình Yêu Thánh Tâm Chúa.

Good morning Thursday! Amazing and blessed day.

*************************************

Chúc bạn một ngày tràn đầy Bình An của Chúa Thánh Thần nhé. Xin bạn dâng một lời kinh cầu nguyện cách riêng cho chiến tranh Nga-Ukraine được chấm dứt. Đa tạ!

Cha Vương

Thư 5: 25/5/2023

TIN MỪNG:

Chúa là nguồn mạch bình an, xin Người ban cho anh em được bình an mọi lúc và về mọi phương diện. Xin Chúa ở cùng tất cả anh em! (2 Thx 3:16)

HOA QUẢ THỨ 3:

Bình An—Kết quả của niềm vui, làm cho ta được thư thái, không lay động trong những rộn ràng, sóng gió của cuộc đời.

SUY NIỆM:

Bình an là gì? Bình an có phải là sự vắng mặt của chiến tranh, của đau khổ không? Nói về sự bình an thì đoạn Tin Mừng hôm nay cho bạn biết có hai loại bình an: (1) Bình an theo kiểu thế gian, tức là bình an theo chiều ngang: bình an giữa các dân nước, chủng tộc, giai cấp xã hội, tôn giáo. (2) Bình an phát xuất từ Thiên Chúa tức là sự bình an theo chiều dọc: bình an từ nguyên thuỷ phát xuất từ Thiên Chúa, giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa và con người. Mọi hình thức bình an khác đều tùy thuộc vào sự bình an này. Khi trời đất được tạo dựng, Chúa Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp! (St 1,2) Loại bình an này là khi bạn cảm thấy lòng mình không lay động trong những rộn ràng, sóng gió cuộc đời! Bình an cũng không phải có ở một gia đình giàu có, sung túc, quyền lực cao sang! Bình an không phải có nơi sở hữu một chiếc xe hạng sang hay có được những món đồ cao cấp. Bình an của Đức Giêsu trao tặng cho các môn đệ và cho bạn hôm nay không chỉ dừng lại ở việc an toàn về mặt thể xác, mà còn đi xa hơn để đạt được thứ bình an trong sâu thẳm trong tâm hồn. Bình an này hướng bạn về mầu nhiệm ơn cứu độ, về sự sống vĩnh cửu. Bạn hoàn toàn thuộc về Chúa, không con thiếu thốn chi nữa (Tv 23).

LẮNG NGHE:

Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. (Ga 14:27)

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin thêm ơn cho con để con biết luôn luôn tín thác cuộc đời của con trong tay Chúa và bước đi thanh thản trong sự bình an nhờ có Chúa ở cùng con con không sợ chi.

THỰC HÀNH:

Hạn chế tham gia các nhóm buôn chuyện, hãy quyết tâm từ bỏ thói quen nói xấu, chỉ trích sau lưng người khác để mang lại bình an cho chính mình và cho kẻ khác.

******* //// *******

Chào các Bạn trong Tình Yêu Thánh Tâm Chúa!

Good morning Friday! A fabulous n Blessed Day.

Hôm nay ngày thứ sáu kính Thánh Tâm Chúa.

“Chúng con ca tụng Thánh Tâm Chúa Giêsu, Đấng cứu chuộc và là Chúa của chúng con.”

Mời nghe nhạc phẩm Yêu Như Chúa Yêu

Sáng tác: Lm Thái Nguyên

Trình bày: Hạnh Nguyên

*****************************************

Chúc bạn một ngày thật kiên nhẫn với chính mình và với những người chung quanh để được bình an.

Cha Vương

Thư 6: 26/5/2023

TIN MỪNG:

Bởi vậy, anh em thân mến, anh em hãy kiên tâm bền chí, và càng ngày càng tích cực tham gia vào công việc của Chúa, vì biết rằng: trong Chúa, sự khó nhọc của anh em sẽ không trở nên vô ích. (1 Cr 15:58)

HOA QUẢ THỨ 4:

Kiên Nhẫn (nhẫn nhục) là một nhân đức giúp ta biết kiên nhẫn, bền chí giữa những lao nhọc, dựa trên niềm hy vọng vào những điều tốt lành mà Chúa hứa ban. Nó giúp ta chịu đựng những nghịch cảnh ở đời và những đau khổ do sự chết của tội lỗi gây nên.

SUY NIỆM:

Thánh Têresa Avila nói: “Đừng để gì làm bạn xao động, và làm bạn sợ hãi. Mọi sự đều đang qua đi; Thiên Chúa không bao giờ thay đổi. Sự nhẫn nại chịu đựng đem lại tất cả. Ai có Thiên Chúa thì không thiếu thốn gì. Một mình Thiên Chúa đã đủ.” Trong tương quan với tha nhân, đức nhẫn nhục chẳng những không để cho bạn thoái lui trước những nghịch cảnh, mà còn kiên trì theo đuổi lý tưởng với nhiệt khí luôn luôn đổi mới. Khi nhìn dưới cặp mắt tự nhiên, bạn muốn bỏ rơi người tội lỗi mà bạn không ưa thích để mặc họ buông trôi, nhưng do đời sống nhân đức, do Chúa Thánh Thần thúc đẩy, bạn không đành chịu bó tay. Bạn chấp nhận bỏ qua những khuyến điểm của nhau để tìm ra một giải pháp dung hoà trong tâm tình yêu thương chịu đựng lẫn nhau như Thiên Chúa yêu thương và kiên nhẫn chịu đựng bạn vây. Một tác giả thiêng liêng người Ý, Carlo Carretto, sau khi dành trọn hai mươi năm đi tu trong cô độc ở sa mạc Sahara, khi hỏi ông điều gì là điều duy nhất ông cảm thấy Chúa hay nói với ông trong im lặng lâu dài và sâu sắc, ông nghe thấy Chúa nói gì với thế giới? Câu trả lời của ông là: Chúa bảo chúng ta cứ chờ đợi, cứ kiên nhẫn!

LẮNG NGHE:

Kẻ nóng tính gây ra cãi vã, người chậm giận làm dịu cuộc đôi co. (CN 15:18)

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa Thánh Thần, con đang sống trong thế giới vội vã, xin giúp con chậm lại một chút để nghĩ đến Chúa đang kiên nhẫn với con để rồi con biết kiên nhẫn với những người chung quan. Xin ban cho con ơn kiên nhẫn ngay bây giờ Chúa ơi.

THỰC HÀNH:

Nếu bạn không thể hoàn thành những mục đích mà mình đặt ra, bởi vì thiếu kiên nhẫn, thì hãy cố gắng chia nhỏ mục đích chính của mình ra thành những mục đích nhỏ. Và cố gắng thực hiện những mục đích nhỏ đầu tiên và sau đó hãy thực hiện những mục đích lớn hơn. Làm việc nhỏ với đầy nhiệt huyết thì bạn sẽ ổn thôi.

******* ///// *************

Chào các Bạn trong Tình Yêu Thánh Tâm Chúa.

Have a Lovely Saturday Day.

Thứ bảy kính Thánh Tâm Mẹ

“Chúng con ca tụng Thánh Tâm Mẹ, Đấng đồng công cứu chuộc chúng con.”

**************************************

Cuối tuần Memorial Day tràn đầy hồng ân của Thiên Chúa nhé. Chúa thương bạn rất nhiều đó, xin đừng lãng quên… mà ngoảnh mặt đi…

Cha Vương

Thứ 7: 27/05/2023

TIN MỪNG:

Hãy tạ ơn CHÚA, vì Chúa nhân từ: muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. (1 Sb 16:34)

HOA QUẢ THỨ 5:

Nhân Hậu—là một nhân đức hiền từ, dễ tính, hấp dẫn người khác nhờ lời nói nhỏ nhẹ, cung cách bao dung, nó bắt nguồn từ tâm hồn đạo đức, từ nếp sống chính trực và được thể hiện qua hành động yêu thương, quan tâm, âu yếm đối với tha nhân.

SUY NIỆM:

Trong đời sống xã hội, lòng nhân hậu được bộc lộ qua lời nói: nó diễn tả mối quan tâm và kính trọng đối với tha nhân. Qua lời nói, con người bộc lộ chính bản thân của mình. Lời nói không chỉ chuyển tải một sứ điệp mà nhất là chuyển tải bản thân của sứ giả. Điều này có thể thấy rõ trong “Lời của Thiên Chúa”, tức là Đức Kitô. Theo thánh Gioan, Ngôi Lời chuyển đạt cho chúng ta những chuyện thân mật của Chúa, tình yêu giữa Ba ngôi. Lời ấy là chân lý và tình yêu: Đức Kitô không chỉ nói đến tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại, mà cả tình yêu của Người đối với Thiên Chúa. Ngoài ra, sách Tin mừng còn mô tả lời nhân hậu của Đức Giêsu, khi đón tiếp người tội lỗi (Lc 15:1-2), những người bệnh tật (Lc 18:35-43), các trẻ nhỏ (Mc 10:13-36). Những đối thủ của Người, tuy bất đồng ý kiến trong cách giải thích đạo lý, nhưng nhìn nhận rằng lời lẽ của Người có sức thu hút đám đông. Đức nhân hậu biết sử dụng lời lẽ hòa nhã để tiếp xúc với tha nhân. Hẳn nhiên, kẻ nhân hậu sẽ không dùng lưỡi để nói xấu người khác hay để gây ra tranh cãi (Tt 3:2). Họ cũng biết sử dụng lời lẽ cách khôn khéo để phục vụ Chúa. Họ biết lắng nghe người khác, tuy không ngại phát biểu những điều xác tín của bản thân. Đôi khi vì trung thành với Sự Thật, mà họ sẵn sàng để cho người khác sửa sai mình và cũng không thiếu lần cảm thấy mình cô đơn, vì không được người khác hiểu biết.

Ước mong nhờ sự tác động của Chúa Thánh Thần lòng nhân hậu của bạn được bộc lộ ra bên ngoài, qua nét mặt hồn nhiên, cởi mở với mọi người, tế nhị trong cách giao tiếp hàng ngày.

LẮNG NGHE:

Nhưng người cha nói với anh ta: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.” (Lc 15:31-32)

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa Thánh Thần, xin mở lòng trí con để con đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương thực sự bằng việc làm, xin cho lời nói và việc làm của con được cắm rễ trong lòng nhân hậu của Chúa để mọi người nhận ra con là môn đệ của Chúa.

THỰC HÀNH:

Trong mọi tương quan của ngày hôm nay, mời bạn hãy tự hỏi chính mình: “Chúa Giêsu sẽ làm gì trong trường hợp này?” Rồi tự thay đổi lời ăn tiếng nói của mình để tình huống trở nên tốt đẹp hơn.

******* ////// *******

Chào các Bạn trong Tình Yêu Thánh Tâm Chúa.

Good morning Sunday! A beautiful N Blessed day.

******* ******* *******

Chúc bình an đến bạn và gia đình. Nguyện xin hồng ân của Chúa Thánh Thần tuôn đổ trên bạn như mưa hôm nay. Hãy cầu nguyện cho nhau nhé.

Cha Vương

https://youtu.be/D_yNwPwqIXY

CN: 28/05/2023

TIN MỪNG:

Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?” (Lc 11:13)

HOA QUẢ THỨ 6:

Từ Tâm—Lòng thương người. Phát sinh do lòng nhân hậu (nhân từ) trong lời nói và trong việc làm, nó được nảy sinh từ tâm hồn đạo đức, từ nếp sống chính trực, “mến Chúa và yêu người”.

SUY NIỆM:

Trong đoạn Tin Mừng của Thánh Luca 6:36 Chúa Giê-su dạy: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ”. Đây là bài học coi thì dễ nhưng lại rất khó bởi vì không thước tấc nào có thể đo nổi lòng người được. Vậy thời xưa mới có câu: “dò sông dò biển dễ dò, nào ai lấy thước mà đo lòng người”. Nếu con người đối xử với nhau với lòng nhân từ như Chúa thì thế giới này sẽ hiền hoà yên ả. Có câu chuyện được kể về Mahatma Gandhi, một nhà ái quốc Ấn độ, lúc con nhỏ, ông sang Anh quốc học nghề luật sư và nhờ đó có dịp tiếp xúc với Kitô giáo. Ông đọc Phúc âm thường xuyên, đặc biệt ông thán phục bản Hiến chương tám mối phúc thật và lấy đó làm nguồn cảm hứng cho đường lối bất bạo động của ông trong việc giành lại độc lập cho dân tộc mình. Tuy nhiên, có lần ông đã tâm sự với người thân tín rằng dù thán phục Giáo lý của Chúa Kitô, nhưng ông không thể trở thành kẻ tin Chúa, vì ông thấy nhiều Kitô hữu không sống tám mối phúc thật của Chúa. Ông nói: “Tôi yêu mến Chúa Kitô, nhưng tôi không thích người Kitô. Nếu họ giống như Chúa Kitô thì dân Ấn độ chúng tôi đã trở thành Công giáo cả rồi”. Nhận xét của Mahatma Gandhi trên đây là một lời cảnh cáo về ơn gọi và trách nhiệm của mỗi người Ki-tô hữu. Là người Kitô hữu, bạn phải sống như Chúa Kitô, phải có những tâm tình từ bi, nhân hậu và yêu thương như Ngài. Ước mong bạn hãy mở cửa tâm hồn để xin ơn Chúa Thánh Thần ban cho bạn lòng thương người (hoa quả từ tâm) để mọi người nhận biết bạn là con cưng của Chúa nhé.

LẮNG NGHE:

“Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.” (Lc 6:36-38)

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa Thánh Thần, chỉ lối cho con, hướng dẫn con, hỗ trợ con, an ủi con, cho con biết việc phải làm, xin ra chỉ thị cho con để con “đem уêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nới lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm, đem tin kính vào nơi nghi nan chiếu trông cậу vào nơi thất vọng, để con rọi ánh sáng vào nơi tối tăm đem niềm vui đến chốn u sầu.”

THỰC HÀNH:

Cái rễ của lòng bạn đang cắm vào đâu vậy? Thế gian hay Thiên Chúa? Quyết tâm từ bỏ một thói quen xấu và tập rèn luyện một nhân đức mới để sống tốt lành hơn.

******* /////// *******

Chào các Bạn trong Tình Yêu Thánh Tâm Chúa!

Good morning Monday. A blessed day and lovely week.

Hôm nay đất nước Hoa Kỳ tưởng nhớ những chiến sỹ, những người đã hy sinh gìn giữ nền tự do của đất này và thế giới.

Xin một phút tưởng niệm những anh hùng “Vị Quốc Vong Thân”

“Phúc thay người xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,9)

************************

Chúc bạn ngày nghỉ lễ Memorial Day thật zui zẻ và an lành nhé. Đừng quên cầu nguyện cho những linh hồn của những người đã hy sinh bảo vệ quốc gia Hoa Kỳ và nền tự do mà bạn đang tật hưởng.

Cha Vương

Thứ 2: 29/05/2023

TIN MỪNG:

Phúc thay người biết kiên trì chịu đựng cơn thử thách, vì một khi đã được tôi luyện, họ sẽ lãnh phần thưởng là sự sống Chúa đã hứa ban cho những ai yêu mến Người. (Gc 1:12)

HOA QUẢ THỨ 7:

Trung Tín— Trung tín là sự hiện hữu đúng với con người và sự việc. Bạn giữ vững lập trường cho dù khó khăn xảy đến. Sự trung tín là niềm tin vững mạnh được thử thách theo thời gian. Bạn dấn bước lên đường và sẽ tiếp tục hành trình ấy dù có khi bạn muốn dừng lại hoặc bị phân tâm.

SUY NIỆM:

Bạn có biết không? Mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều do từ trên, đều tuôn xuống từ Cha là Đấng dựng nên muôn tinh tú; nơi Người không hề có sự thay đổi, cũng không hề có sự chuyển vần khi tối khi sáng. (Gc 1:17) Đối Chúa không gì thay đổi nhưng lòng người lại hay đổi thay vì Ngài là Chân lý, đồng thời Ngài cũng là Tình Yêu. Vì là Tình yêu, Ngài muốn thông ban chính mình cho bạn ; Ngài yêu thương bạn, vì thế Ngài không muốn lường gạt ai cả. Lòng trung tín của Thiên Chúa phải trở thành nền tảng cho đời sống của người Ki-tô hữu. Xã hội ngày nay đang đương đầu với căn bệnh “giả dối, dối trá”. Con người tìm đủ mọi thủ đoạn đề tìm lợi tức cho riêng mình. Căn bệnh này đang được báo động ở vị trí đỏ. Điều này nhắc nhở cho bạn về sự rất cần thiết của lòng trung tín, không những đối với Chúa mà còn đối với tha nhân nữa. Trong đời sống xã hội, lòng trung thành với lời cam kết rất quan trọng: sự bền vững của các mối tương quan đặt nền tảng trên sự trung thành của mỗi phần tử. Điều này đòi hỏi những nghĩa vụ hỗ tương. Mình phải có nghĩa vụ trung thành với điều đã cam kết, và phải cư xử thế nào để người khác có thể tin tưởng vào mình . Đồng thời, bạn cũng hãy tin tưởng nơi người khác, dựa trên lòng thành thực và tốt lành của họ. Thái độ này sẽ nảy sinh ra một sức mạnh nội tâm để giúp bạn đứng vững với lập trường của mình trước những khó khăn và thử thách trong đời.

LẮNG NGHE:

Đừng sợ các nỗi đau khổ ngươi sắp phải chịu: này ma quỷ sắp tống một số người trong các ngươi vào ngục để thử thách các ngươi; các ngươi sẽ phải lâm cảnh gian truân trong vòng mười ngày. Hãy trung thành cho đến chết, và Ta sẽ ban cho ngươi triều thiên sự sống. (Kh 2:10)

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa Thánh Thần, xin giúp con biết lắng nghe tiếng gọi của lương tâm chân chính để con sống trung thành với Chúa, trung thành với lề luật, trung thành với những quyết định mà con đã lựa chọn trong ơn gọi làm Kitô hữu, xin cho con biết đáp lại lời mời gọi của Chúa: “Hãy từ bỏ mọi sự, vác thập giá đi theo Chúa”.

THỰC HÀNH:

Một người trung tín không bao giờ nói xấu bạn mình sau lưng người khác. Tránh nói xấu hôm nay nhé.

******* /////// / *******

Chào các Bạn trong Tình Yêu Thánh Tâm Chúa.

Good morning Tuesday. A blessed day!

***********************

Ước mong bạn được Chúa Thánh Thần khắc trên trán hai mẫu tự “ST” hôm nay. 🙂

Cha Vương

Thứ 3: 30/05/2023

TIN MỪNG:

Cha ta trên trời sẽ đối xử với các ngươi như thế, nếu các ngươi mỗi người không thật lòng tha thứ, khoan dung cho anh em mình. (Mt 18:35)

HOA QUẢ THỨ 8:

Khoan Dung—là thái độ của người có quyền, sẵn sàng làm ngơ hoặc tỏ lòng thương xót và tha thứ cho những người phạm pháp, là sự tha thứ khoan hồng của người trên đối với người, sự quên đi lầm lỗi và thông cảm của đồng bạn với nhau, là không chấp nhất, không trả thù…, là yêu thương tôn trọng người yếu thế hơn,… là sống luật bác ái của Chúa một cách triệt để.

SUY NIỆM:

Lòng khoan dung rất cần thiết cho con người. Đó là con đường mới cho con người bỏ con đường cũ. Pierre Benoit đã từng khẳng định: “Khoan dung là đức tính đem lợi về cho cả ta lẫn người khác”. Câu chuyện kể về hai anh em ăn trộm cừu như sau:

Tại một vùng nông thôn nước Mỹ, có hai anh em nhà kia vì quá đói kém, bần cùng đã rủ nhau đi ăn cắp cừu của nông dân trong vùng. Không may hai anh em bị bắt. Dân trong làng đưa ra một hình phạt là khắc lên trán tội nhân hai mẫu tự “ST”, có nghĩa là quân trộm cắp (viết tắt từ chữ Stealer). Không chịu nổi sự nhục nhã này, người anh đã trốn sang một vùng khác sinh sống hòng chôn chặt bí mật này. Thế nhưng anh chẳng bao giờ quên được nỗi nhục nhã mỗi khi ai đó hỏi anh về ý nghĩa hai chữ “ST” đáng nguyền rủa.

Còn người em, anh tự nói với bản thân mình: “Tôi không thể từ bỏ sự tin cẩn của những người xung quanh và của cả chính tôi”. Thế là anh tiếp tục ở lại xứ sở của mình. Chẳng mấy chốc anh đã xây dựng cho mình một sự nghiệp cũng như tiếng thơm là một người nhân hậu. Anh sẵn sàng giúp đỡ người khác với tất cả những gì mình có thể. Tuy nhiên, cho dẫu thời gian có qua đi, hai mẫu tự “ST” vẫn còn in dấu trên vầng trán anh.

Ngày kia, có một người lạ mặt hỏi một cụ già trong làng về ý nghĩa hai mẫu tự này. Cụ già suy nghĩ một hồi rồi trả lời: “Tôi không biết rõ lai lịch của hai chữ viết tắt ấy, nhưng cứ nhìn vào cuộc sống của anh ta, tôi đoán hai chữ đó có nghĩa là người thánh thiện (ST cũng là chữ viết tắt của chữ Saint—vị thánh)”.

Ai cũng có những lúc mắc phạm sai lầm, nhưng quan trọng hơn chính là sửa chữa được sai lầm đó. Mỗi người, ai cũng cần phải học cách khoan dung và cho người khác cơ hội sửa sai, nếu ích kỷ mà dẫn đến thiếu lòng vị tha thì bạn cũng chỉ mắc sai lầm giống kẻ phạm lỗi mà thôi.

LẮNG NGHE:

CHÚA là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương, chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi. Người không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm. (Tv 103:8-10)

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa Thánh Thần là Đấng an ủi lòng con, xin khơi dậy trong con ngọn lửa khoan dung tha thứ để đốt đi tính vô cảm do sự ích kỷ của bản thân, sự thù hằn hay lòng ghen ghét gây ra.

THỰC HÀNH:

Tập làm ngơ trước những bất toàn của người khác.

******* ///// /// / *******

******* //////// *******

Chào các Bạn trong Tình Yêu Thánh Tâm Chúa.

Good morning Wednesday! A wonderful and blessed day.

******************

Chúc bạn ngày mới tràn đầy nghị lực và hiền lành như con chim bồ câu vậy nhé.

Cha Vương

Thứ 4: 31/05/2023

TIN MỪNG:

Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp. (Mt 5:4)

HOA QUẢ THỨ 9:

Hiền Hoà— Hiền hoà (hiền lành) là một nhân đức, không để cho mình bị lôi cuốn bởi cơn giận dữ quá đáng so với nguyên nhân gây ra nó, nghĩa là không để cho mình bị lôi cuốn theo một cảm xúc phi lý. Người hiền lành thì luôn có tâm hồn đơn sơ, sống chân thật, không ích kỷ, không tìm tư lợi, nhưng sẵn sàng quên mình, biết dấn thân và biết sống vì người khác. Hiền hòa cũng có phần nào liên quan đến nhịn nhục và chịu đựng, đó là biết vui vẻ chấp nhận sự thua thiệt, hiền lành và chịu thua thiệt chứ không là nhu nhược.

SUY NIỆM:

Trong cuộc sống tại thế này bạn phải đối diện với đủ loại thử thách: những thất bại, bất trắc, đau khổ,…. có khi phải đối diện với những nghịch cảnh bi đát và nghiệt ngã bất công. Vấn đề là cách bạn ứng xử thế nào trước mỗi khó khăn thử thách như vậy. Lời khuyên của Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận sau đây có thể giúp bạn hiểu được tầm quan trọng của nhân đức hiền hoà khi ngài viết: “Đừng nản lòng vì thất bại. Nếu con tìm ý Chúa thực sự, thì chính sự thất bại đó là thành công. Chúa muốn như vậy. Xem gương Đức Giêsu trên thánh giá”; “ Chỉ có một sự thất bại là không hy vọng vào Chúa. Con đã hy vọng vào Chúa và con sẽ không hổ thẹn đến muôn đời” (ĐHV, số 41. 43).

Người hiền lành có thể bị người đời ăn hiếp hoặc luôn chịu phần thiệt thòi nhưng ngược lại họ lại là người mạnh mẽ và dễ mến vì chẳng có ai chống lại người hiền lành cả. Tiền nhân có câu: “No mất ngon, giận mất khôn”. Đúng quá! Một giây phút không kiềm hãm được những cảm xúc phi lý của mình không những bạn sẽ làm tổn thương đến những người chung quanh mà còn tự hại mình nữa. Nguy quá!

LẮNG NGHE:

Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hòa rộng rãi, Chúa đã gần đến. (Pl 4:4-5)

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa Thánh Thần là Chủ nhân hiền hòa của tâm hồn con, là nguồn dịu dàng tươi mát dường bao, xin cất khỏi tim con những yếu đuối, những cảm xúc nóng nảy, thô lỗ, cộc cằn, và ban cho con đức đơn sơ, điềm tĩnh, khôn ngoan, hiền dịu và quả cảm để con sống hiền lành thánh thiệt như Chúa hằng mong ước.

THỰC HÀNH:

Tập không phản ứng mạnh khi gặp chuyện trái ý, không làm dữ khi ý kiến của bạn bị bác bỏ.

******* ////////// *******

Chào các Bạn trong Tình Yêu Thánh Tâm Chúa.

Good morning Thursday! Have a blessed day.

*******************

Chúc bình an đến bạn và gia đình nhé. Hôm nay bạn rán trở thành một người khiêm nhu đi, mình biết chắc những người chung quanh sẽ zui lắm đó.

Cha Vương

Thứ 5: 01/06/2023

TIN MỪNG:

Lòng kính sợ ĐỨC CHÚA là trường dạy khôn ngoan, khiêm nhu là đường dẫn đến vinh dự. (CN 15:33)

HOA QUẢ THỨ 10:

Khiêm Nhu— Trong tự điển tiếng Việt định nghĩa là: (1) tính khiêm tốn, tính nhún nhường, tính nhũn nhặn, (2) tính thùy mị, tính nhu mì, tính e lệ, (3) tính vừa phải, tính phải chăng, tính bình thường, tính giản dị. Nhưng theo ý nghĩa truyền thống và thần học, khiêm nhu mang tính yếu đuối, nhưng người khiêm nhu chiến thắng cơn tức giận của mình, biết kiềm chế, biết điều chỉnh và điều khiển năng lực để làm điều tốt hơn điều xấu.

SUY NIỆM:

Bạn đang sống trong xã hội có những phần tử đề cao sự thành công của con người dựa trên bao nhiêu huy trương, bao nhiêu phần thưởng, bao nhiêu bằng cấp bằng khen, bao nhiêu tài sản họ có. Họ rất hãnh diện và tự hào về sự thành công của họ. Điều này cũng dễ hiểu thôi vì đó là mồ hôi nước mắt của họ, họ phải lao động hết sức vất vả mới có được như ngày hôm nay. Họ có đi ăn cướp ăn trộm của ai đâu. Vấn đề ở đây là một khi họ thần thánh hoá niềm tự hào, sự hãnh diện và những thành công của thì họ đã tự biến những gì rất bình thường trở thành bất bình thường. Họ trở thành người kêu ngạo tự cao tự đắc qua cách ứng xử không tế nhị, không tôn trọng kẻ khác. Hay nói cách khác đi, họ coi trời bằng vung. Họ luôn tìm kiếm những sự chú ý cho riêng mình. Ngược lại trong xã hội ngày nay cũng không thiếu những người rất khiêm nhu và khiêm nhường. Họ biết kiềm chế, điều chỉnh, và điều khiển cảm xúc của họ. Họ phục vụ một cách tích cực, biết động viên và khuyến khích những người cùng làm việc chung với cả sự khiêm nhu và hết sức tế nhị. Họ không muốn người khác nói lời cảm ơn hoặc tìm kiếm lời khen ngợi của người khác. Họ làm việc tận tuỵ trong âm thầm vì yêu mến Chúa và phục vụ tha nhân. Mẹ Thánh Teresa Calcutta nói: “Nếu bạn khiêm nhu, không có gì ảnh hưởng tới bạn, dù lời khen ngợi hoặc sự ghen ghét, vì bạn biết mình là ai”. Ước mong bạn cảm nhận được tầm quan trọng của nhân đức khiêm nhu trong cuộc sống, biết dấn thân, quên mình, không đòi hỏi gì nơi người khác nhưng luôn biết cộng tác kết nối với tha nhân làm việc chỉ để cho danh Chúa được cả sáng mà thôi.

LẮNG NGHE:

Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo. (Rm 12:2)

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa Thánh Thần, xin biến đổi qua tim con để con biết những việc con phải làm, từ lúc khởi sự cho đến khi hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa chứ không bởi con.

THỰC HÀNH:

Tập nhận biết tôi chẳng là gì trước mặt Chúa. Tôi chỉ là người quản lý của Chúa thôi.

You may also like...